Khám phụng thờ Bài vị ngài Viện sứ Viện Thái y Nguyễn Hạnh, nguồn: Nguyễn Bái
Theo Gia phả Họ Nguyễn làng Vân Dương, Ngự y Nguyễn Hạnh sinh năm Ất Sửu (1805) ở làng Vân Dương, tổng An Cựu, huyện Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên. Nguyên quán ở làng Bồi Dương (nay đổi là Mỹ Dương), tổng Trung Bạn, huyện Tống Sơn, phủ Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa.[2]
Thầy thuốc Nguyễn Hạnh làm việc trong Viện Thái Y dưới các triều Vua Thiệu Trị và Tự Đức. Năm Thiệu Trị năm thứ 7 (1847) Y chính Nguyễn Hạnh được thăng thụ Hữu viện phán Viện Thái y, sau đó là Tả viện phán Viện Thái Y. Đến năm Tự Đức thứ nhất (1848), ông được thăng Phó Ngự y Viện Thái Y rồi được bổ nhiệm Ngự y Viện Thái Y vào năm Tự Đức thứ 7. Năm Tự Đức thứ 10, Nguyễn Hạnh thăng thụ Trung thuận Đại phu, Viện sứ Viện Thái Y (đứng đầu quản lý Viện Thái Y). Vài năm sau đó ông được bổ nhiệm Quang Lộc tự khanh Thái Y Viện. Năm Tự Đức thứ 27 (1874), Gia nghị Đại phu, Hữu Thị lang Bộ Lễ kiêm quản Viện Thái Y Nguyễn Hạnh mất, hưởng thọ 70 tuổi.
Việc khám và chữa bệnh cho Vua đòi hỏi cao về trình độ và cả sự cẩn trọng của Ngự y. Trong cuộc đời làm thầy thuốc hoàng cung, ông đã nhiều lần chữa khỏi bệnh cho vua, hoàng tử…, văn bản này là một ví dụ: Chúng thần ở Nội các là Phạm Thanh, Hoàng Văn Tuyển phụng Thượng dụ: Hôm qua Trẫm nhận thấy phương thuốc do Ngự y dâng đã sớm hiệu quả. Vậy cũng nên ban thưởng để khuyến khích. Nguyễn Hạnh xem mạch bắt bệnh được thưởng lụa the đoạn mỗi thứ 1 tấm, kỷ lục 2 lần… Châu điểm.[3]
Châu bản triều Nguyễn cho biết năm Tự Đức thứ 12, Ngự y Nguyễn Hạnh đã xem mạch bắt bệnh được cho Vua Tự Đức, nguồn: Trung tâm Lưu trữ quốc gia I
Trước đó, ông từng chữa khỏi bệnh đậu mùa cho Hoàng tử Hồng Nhậm (sau này là Vua Tự Đức): hoàng tử thứ hai lên đậu mùa, phát nhiều chứng bệnh nguy hiểm. Vua rất lấy làm lo, thường mật đảo ở trong cung, lại sai các thị vệ chia nhau đến kêu cầu ở các đền thiêng. Phái Thái Y Viện Nguyễn Ý, Hữu viện phán Nguyễn Hạnh, Thự Vệ uý Vệ Trung dinh Thần cơ Nguyễn Quý (người biết làm thuốc) ngày đêm chầu chực thuốc thang. Một tuần thì [hoàng tử thứ hai] lành mạnh. Vua rất mừng, thưởng cho bọn Ý rất hậu (bọn Ý và Hạnh đều gia 1 cấp, lại cho ngân tiền và áo quần).[4]
Năm Tự Đức thứ 9 (1856), Vua cho rằng quản viện là Vũ Đức Nhu, Ngự y là bọn Nguyễn Hạnh tiến dâng thứ thuốc quý lên cung Gia Thọ dùng và thứ thuốc quý ngài dùng, đều thấy có công hiệu cả, xuống Dụ thưởng cho kỷ lục và tiền vàng tiền bạc có thứ bậc khác nhau để tỏ ý hầu vui ban ơn, nêu người hay, khuyên người giỏi.[5]
Chữa bệnh cho Vua là vinh hạnh lớn lao nhưng cũng là trách nhiệm nặng nề mà các Ngự y phải gánh vác. Dù luôn cố gắng làm tốt trọng trách, Ngự y cũng không tránh khỏi những lần bị xử phạt. Một văn bản trong Châu bản Tự Đức đề cập: Chúng thần ở Nội các là Phạm Thanh, Phạm Phú Thứ, Hoàng Văn Tuyển phụng Thượng dụ: Viện Thái Y lần lượt cung tiến phương thuốc chữa mắt. Các thuốc đó hoặc từ mùa đông đến mùa xuân, hoặc đã 1 tuần 1 tháng đều chưa thấy hiệu quả. Vậy bọn chúng chỉ đọc sách cũ xa xôi, không có y thuật gì. Trẫm đã nhiều lần tha thứ chưa nỡ xử lý mà bọn chúng cuối cùng chỉ thích bàn bạc cao xa, không có kết quả gì. Như thế mà không trừng trị thì sao có thể khích lệ được người khác. Vì vậy các tên Nguyễn Hạnh, Vũ Gia Thứ … đều giao cho bộ Lại căn cứ theo luật, phân biệt nghị xử để khích lệ sau này… Châu điểm.[6]
Ngoài ra, dấu ấn sự nghiệp làm quan của Ngự y Nguyễn Hạnh còn để lại trong Châu bản triều Nguyễn về một số nội dung như đề xuất bổ dụng quan lại, kiểm tra chất lượng nguồn dược liệu, đề xuất tu bổ giảng đường bị mục nát, …
Với trọng trách chăm sóc sức khỏe cho vua và hoàng cung, việc tuyển dụng thầy thuốc trong Thái Y Viện cần người thông nghề chữa bệnh, biết rõ phương pháp, không kể nguồn gốc xã hội. Ngự y Nguyễn Hạnh cũng không ít lần đề xuất bổ dụng người am hiểu y thuật vào Thái Y Viện. Đây là nội dung được đề cập trong bản Tấu của ông năm Tự Đức thứ 2: Viện Thái Y, thần Nguyễn Hạnh tấu: Thần trộm xét mình bất tài, nhờ ân được dùng, tự biết y thuật không sâu. Nay lo viện thiếu chức, đình thần chọn cử thầy thuốc mà chưa tuyển được ai. Thần trộm nghĩ có nguyên viện thần trước đây là sung Doanh điền Biện sự lãnh Hữu Viện phán Trần Viết Độ và sung nấu quặng sắt là Y chính Trần Mẫn là những người am hiểu mạch lý, y thuật, từng được vào Kinh hầu hạ. Nay xin được chuẩn cho các viên ấy lại được phục bổ chức vào viện thần. Châu phê: Bộ Lại thực hiện ngay.[7]
Đây là nội dung một văn bản đề cập về việc Ngự y Nguyễn Hạnh tham gia kiểm tra thẩm định nhung hươu, quế: Phủ Nội vụ cùng các quan hội đồng cẩn tấu: Trước đây nhận được tờ tư của Bộ Hộ trình rằng: tỉnh Hưng Hoá đệ nạp 1 đôi nhung hươu bắc và 3 đôi nhung hươu Nam và tỉnh Thanh Hoá, đệ nạp 3 hạng vỏ quế loại 1, 2, 3 gồm 467 mảnh, nặng 32 cân 15 lạng, tư xin thu nhận xong thì phúc lại. Sau đó căn cứ các loại nhung quế đem tới, chúng thần lập tức trình Quang lộc tự khanh Thái Y Viện thần Nguyễn Hạnh và Phó ngự y Nguyễn Tán hội đồng kiểm tra rõ ràng thấy 1 đôi nhung hươu Bắc của Hưng Hoá vốn là nhung nai, giá trị cũng bình thường, xin nên căn cứ thực tế chiếu thu. Còn quế các hạng 1, 2, 3 của tỉnh Thanh Hoá đều là loại non mỏng, khô, không có dầu, nghĩ nên trả về. Nhưng vì loại đó hiện tại kho cần dùng nên chúng thần đã kiểm tra tuyển chọn lại, hiện được các loại 1, 2, 3 tạm dùng được, xin thu trữ, còn lại xin trả lại cho tỉnh đó nhận giải quyết và lại tìm kiếm nộp loại già, nhiều dầu gửi về để đủ dùng… Châu điểm.[8]
Ghi nhận công lao của Ngự y Nguyễn Hạnh, ngày 06 tháng Giêng năm Tự Đức thứ 10, ông được ban sắc phong với nội dung:
Vâng trời nối vận, Hoàng đế ban chế rằng:
Trẫm nghĩ: Chính sự dùng người, xét công cần theo điển chế, lượng tài định bậc, tài năng trị lý tuyên dương.
Này khanh, Thái Y Viện Ngự y Nguyễn Hạnh:
Văn học đáng khen, tài năng đáng chọn. Ngôn từ hợp đạo, hành vi khuôn phép, tiết tháo thanh cao, chính trị thỏa đáng. Nết quan thanh liêm, cẩn thận công vụ, gắng gỏi chức trách, đường quan noi giữ. Cần mẫn làm tròn nơi chức phận, nên tuyên dương đề bạt tại triều đình.
Nay đặc biệt thăng Trung thuận Đại phu, Thái Y Viện Viện sứ, ban cho cáo mệnh. Ngõ hầu không trễ việc công, siêng năng gắng gỏi chức trách, kính tuân trọng mệnh, mãi không hoại phước tốt này.
Kính thay![9]
Chú thích:
[1] Bản dịch Sắc phong lưu trữ ở Nhà thờ họ Nguyễn do ông Nguyễn Bái, hậu duệ đời thứ 14 của dòng họ cung cấp.
[2] Gia phả họ Nguyễn làng Vân Dương do ông Nguyễn Bái, hậu duệ đời thứ 14 của dòng họ cung cấp.
[3] Trung tâm Lưu trữ quốc gia I, Châu bản Tự Đức, tập 111, tờ 121.
[4] Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục chính biên, Bản dịch của Viện Sử học, tập 6, Nxb. Giáo dục, Hà Nội, 2007, trang 1064.
[5] Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục chính biên, Bản dịch của Viện Sử học, tập 7, Nxb. Giáo dục, Hà Nội, 2007, trang 472.
[6] Trung tâm Lưu trữ quốc gia I, Châu bản Tự Đức, tập 102, tờ 200.
[7] Trung tâm Lưu trữ quốc gia I, Châu bản Tự Đức, tập 171, tờ 128.
[8] Trung tâm Lưu trữ quốc gia I, Châu bản Tự Đức, tập 173, tờ 297.
[9] Bản dịch Sắc phong lưu trữ ở Nhà thờ họ Nguyễn do ông Nguyễn Bái, hậu duệ đời thứ 14 của dòng họ cung cấp.
Hồng Nhung - Chử Hằng