Michaelle Biddle là một chuyên gia tu bổ văn bản cổ của Thư viện Đại học Wesleyan (Mỹ). Với gần 50 năm làm công tác tu bổ bảo quản tài liệu và tiếp xúc nhiều loại văn bản cổ với chất liệu và tình trạng vật lý khác nhau ở nhiều nơi trên thế giới, bà có kinh nghiệm phong phú về xử lý tài liệu bị hư hỏng.
Trong những ngày qua, GS. Michaelle Biddle đã có dịp khảo sát kho bảo quản và tình trạng vật lý của khối Châu bản triều Nguyễn - Di sản tư liệu thế giới. Từ đó, giáo sư đã có những chia sẻ bổ ích về kinh nghiệm tu bổ tài liệu, nhất là về những tập Châu bản bị hỏng nặng.
GS. Michaelle Biddle: “ Trung tâm Lưu trữ quốc gia I cùng đẳng cấp với các kho lưu trữ ở Anh, Ý, Mỹ…”
- Xin chào giáo sư, sau ba ngày làm việc tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia I (Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước), bà có nhận định đánh giá thế nào về tình trạng tài liệu lưu trữ ở Trung tâm, đặc biệt là các văn bản Châu bản triều Nguyễn - Di sản tư liệu thế giới? Bên cạnh đó, theo bà, công tác bảo quản của Trung tâm Lưu trữ quốc gia I như thế nào?
Trong ngày đầu tiên làm việc tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia I, tôi được đi thăm kho lưu trữ tại Trung tâm, tôi nhận thấy Trung tâm đang lưu trữ một khối tài liệu đồ sộ. Riêng với Châu bản, phần lớn đã được tu bổ và đang được bảo quản rất tốt, chỉ có một số tập trong tình trạng hư hỏng nặng từ những tác động trong quá khứ.
Cơ sở vật chất của Trung tâm cho thấy chính phủ Việt Nam rất tập trung đầu tư cho việc lưu trữ tài liệu. Tôi có kinh nghiệm làm việc với các kho lưu trữ ở Anh, Ý, Mỹ…, tôi thấy Trung tâm Lưu trữ quốc gia I tại Việt Nam có cùng đẳng cấp với họ.
- Là một chuyên gia quốc tế trong lĩnh vực tu bổ bảo quản văn bản cổ, bà có thể cho biết thêm về những công nghệ tu bổ tài liệu giấy tiên tiến trên thế giới hiện nay?
Tôi làm việc với nhiều chất liệu khác nhau, như papyrus, lá cọ, đất sét, da thú, vải, giấy... Rất khó để miêu tả cụ thể trong bài phỏng vấn này. Riêng đối với kỹ thuật tu bổ văn bản giấy, theo tôi vẫn có những loại hình cơ bản, như bồi nền, bồi mặt, hay bồi vá văn bản. Mục đích của các kỹ thuật này có thể coi là để cố định bề mặt, tăng độ cứng của văn bản hay bổ sung cho các phần khuyết thiếu. Tuy nhiên, đối với những văn bản bết dính thì điều quan trọng còn ở kỹ thuật bóc tách văn bản nữa. Các ngành khoa học tự nhiên ngày càng hữu ích cho việc phân tích thành phần vật chất của văn bản, cũng như khắc phục một số trường hợp cụ thể, như ngày càng có những thông tin về giấy và mực, giúp xác định được khả năng thành công của việc bóc tách văn bản.
- Theo bà, khả năng ứng dụng kỹ thuật tu bổ đó tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia I ra sao?
Tôi có kinh nghiệm làm việc với nhiều loại văn bản trên thế giới, điều đó giúp tôi nhận ra mỗi loại văn bản thường có tính chất địa phương, cho nên điều quan trọng nhất chính là hiểu được tình hình thực tế của khối văn bản, như vấn đề chất liệu, mực, môi trường tự nhiên, bối cảnh lịch sử. Vì thế tôi nhận ra cần thử nghiệm với từng nhóm văn bản khác nhau, như bạn nhận thấy là việc xử lý nhóm văn bản giấy dó truyền thống sẽ rất khác văn bản giấy công nghiệp đầu thế kỷ XX.
- Trong những ngày làm việc tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia I, giáo sư đã chia sẻ những kinh nghiệm gì?
Trong ba ngày làm việc, tôi có chia sẻ về kỹ thuật bồi mặt văn bản hư hỏng. Loại giấy được sử dụng là giấy thủ công của Nhật, loại 5g, tôi đặt từ một nhà cung cấp của Nhật Bản, gia hồ bằng loại keo Klucel G- ¼ Ib và dùng cồn ethyl alcohl 99% dạng phun sương để gắn giấy lên bề mặt văn bản. Loại giấy này mỏng, hoàn toàn có thể nhìn xuyên thấu nội dung văn bản, vì thế giúp gia cố bề mặt văn bản mà không cần mở hai nửa văn bản như Châu bản hoặc không cần tháo quyển như sách, cũng như phù hợp với loại văn bản viết hai mặt.
Tôi đã giới thiệu về hộp đựng văn bản mà tôi đã nghiên cứu và phát triển trong nhiều năm qua. Loại hộp này có thể làm tại chỗ ứng với kích thước của văn bản lưu trữ cụ thể. Tôi đã từng nhiều lần hướng dẫn người dân tại Châu Phi để giúp họ cất giữ văn bản của họ. Đặc điểm loại hộp đựng này là giá thành không quá cao (giá nguyên liệu khoảng 2 USD), hộp chắc chắn, thoáng khí và có thể làm tại chỗ tùy theo kích thước của văn bản, tránh được trường hợp hộp lớn hơn và nhỏ hơn văn bản lưu trữ so với hộp làm sẵn theo tiêu chuẩn.
Ngoài ra tôi cũng giới thiệu những dụng cụ tu bổ mà tôi mang theo, như các loại đèn cầm tay soi giấy, nấm, côn trùng, hay kính lúp, kính hiển vi để quan sát bề mặt văn bản, hoặc các dụng cụ bóc tách có thể hỗ trợ cho xử lý Châu bản….
Phải nói thêm rằng, tôi cũng được Phòng Tu bổ của Trung tâm tặng một số dụng cụ sử dụng trong bóc tách văn bản rất hiệu quả. Vì vậy, trên giá dụng cụ tại phòng nghiên cứu tu bổ văn bản của tôi đã có thêm những dụng cụ của Việt Nam.
- Đối với các tập Châu bản triều Nguyễn bị hỏng nặng mà bà đã khảo sát, theo kinh nghiệm của bà, khả năng phục hồi những văn bản này thế nào?
Trong quá trình bảo tồn thì có nhiều yếu tố phải nghĩ đến như chất lượng, tốc độ, chi phí. Vì thế tôi nghĩ là luôn linh hoạt trong việc vận dụng các kỹ thuật khác nhau, đặc biệt là việc lựa chọn như có thể bồi nền hoặc bồi mặt vì giá giấy để bồi mặt văn bản đắt hơn nhiều so với loại giấy sử dụng làm bồi nền.
Về khả năng tu bổ các tập Châu bản hư hỏng nặng, như tôi quan sát từ những tập hư hỏng nặng của khối Châu bản thì tình trạng của mỗi tập rất khác nhau. Có một số tập chỉ cần tập trung và cẩn thận bóc tách, thì chỉ mất 24 giờ làm việc là có thể bóc tách văn bản. Tuy nhiên có một số tập do trong quá khứ đã bị tình trạng ẩm ướt quá lâu dẫn đến nhiều loại nấm sinh sôi, ăn hết thành phần gỗ của giấy, khiến các trang này dính chặt vào với nhau. Vì thế đối với những văn bản này, điều tôi có thể nói bây giờ là thử lấy một phần văn bản để thử giảm độ ẩm của văn bản xuống khoảng 15%, như thế sẽ giúp dễ dàng bóc tách văn bản. Một số tập khác, chất lượng giấy có thêm thành phần đất sét, nên khi gặp nước thành phần này biến thành chất keo, làm cho khả năng thành công của việc bóc tách là rất thấp. Tất nhiên là còn quá sớm để kết luận nếu chưa phân tích thành phần giấy, tôi hy vọng rằng trong tương lai, vấn đề này sẽ được chú ý. Kỹ thuật đóng quyển của châu Âu cung làm cho các trang văn bản càng gắn chặt. Tôi nghĩ đến trường hợp giấy Papyrus mà tôi đã từng thực hiện, trong trường hợp này, đối với những tờ không thể tách rời và bị ngược chữ, có thể dùng kỹ thuật gương phản để đọc nội dung một số trang.
Tuy nhiên, cũng không nên quá lo lắng, theo kinh nghiệm làm công tác bảo quản khoảng gần 50 năm, khi nhìn lại, tôi thấy kỹ thuật đã biến đổi rất nhiều. Vì thế trong những trường hợp không chắc chắn cao về thành công, tôi đề nghị duy trì ở trạng thái hiện tại, có thể trong tương lai công nghệ phát triển sẽ giúp tu bổ các tập này.
- Trong thời gian tới, bà có ý định hợp tác nào đó với Trung tâm Lưu trữ quốc gia I không?
Những gì tôi có thể nói bây giờ là, theo ủy nhiệm của CSMC, sau khi làm việc tại Trung tâm, tôi sẽ viết báo cáo lại cho bên này về tình trạng của những tập hư hỏng nặng và đưa ra những gợi ý về dụng cụ, phương pháp và kinh phí tu bổ. Còn tương lai như thế nào thì phải đợi những trao đổi cụ thể giữa CSMC và Trung tâm Lưu trữ quốc gia I. Tất nhiên cá nhân tôi vẫn rất mong muốn được trở lại làm việc cùng Châu bản, vì đây thực sự là một trường hợp rất thú vị cho những người nghiên cứu về kỹ thuật bảo tồn văn bản viết tay như tôi.
- Xin trân trọng cảm ơn giáo sư!
Hồng Nhung