Sự kiện công bố hơn 200 tài liệu về đời sống văn học dưới triều Nguyễn, do Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I tổ chức sáng 15/2, dịp năm mới và hướng đến Ngày thơ Việt Nam (rằm tháng Giêng).
Phần một - Những ''gương mặt'' thân quen - giới thiệu chân dung và các sáng tác của Nguyễn Khuyến, Nguyễn Công Trứ, Cao Bá Quát, Nguyễn Trường Tộ, Phan Châu Trinh. Bên cạnh đó, sự nghiệp quan trường và cuộc đời của họ cũng được làm rõ, giúp người xem hiểu về tư tưởng, quan điểm và những tâm tư họ đưa vào từng tác phẩm.
Những tài liệu thuộc khối Châu bản triều Nguyễn - di sản tư liệu thế giới. Ảnh: Ban tổ chức cung cấp
Ở phần hai - Hiểm địa của ngôn từ - đề cập một số vụ án văn chương trong và ngoài khoa cử triều Nguyễn như mang văn tự vào trường thi, sửa bài thi, phạm những chữ húy kị của triều đình, núp bóng hoạt động văn chương. Thời này, hình phạt có thể từ đánh trượng, đóng gông cho đến tội chết.
Vào năm Minh Mạng thứ bảy (1826), giám sinh Đặng Tế Mĩ bị đóng gông một tháng, đánh 100 trượng và cách bỏ khỏi sổ giám sinh vì mang văn tự vào trường. Năm Thiệu Trị thứ nhất (1841), ở trường thi Thừa Thiên, hai viên sơ khảo là Cao Bá Quát và Phan Thời Nhạ ngầm lấy muội đèn làm mực chữa văn của thí sinh, gồm 24 quyển. Hai người bị tội xử tử, sau đều đổi thành giảo giam hậu (giam lại, xử chết sau).
Dưới thời Nguyễn, các vụ án văn chương thường gắn với việc bảo vệ quyền uy, vị thế của chính thể và giới cầm quyền đương thời, giống những triều đại quân chủ chuyên chế nói chung.
Trong tài liệu Châu bản triều Nguyễn, dịp mừng thọ 50 tuổi, vua Minh Mạng sai Nguyễn Bá Nghi viết vở Quần tiên hiến thọ theo cấu tứ và hướng dẫn của ông. Khi ấy đúng lúc mưa dầm, Tuần phủ Nam Ngãi Vương Hữu Quang được nhà vua sai làm lễ cầu tạnh tại miếu Đô thành hoàng. Cầu suốt một ngày mà mưa không dứt, Vương Hữu Quang cho rằng nguyên nhân vì vua đụng chạm đến thần linh khi đùa cợt với quần thần trên điện Văn Minh và cho diễn vở Quần tiên hiến thọ tại Duyệt Thị đường. Vì vậy, Hữu Quang "xin đốt sách ấy đi để tạ trời đất thần minh". Điều này khiến vua Minh Mạng nổi giận, cách chức, giam lại Vương Hữu Quang. Sau đó, nhà vua gia ơn, giáng ông làm Tư vụ Bộ Công.
Cảnh xét xử vi phạm thi cử ở thời Nguyễn. Ảnh: Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I
Phần ba - Tiêu dao miền thơ phú - nhấn mạnh vị trí của thơ văn trong đời sống cung đình. Ở thời Nguyễn, văn chương hiện diện khắp nơi của cuộc sống thường nhật. Theo tư liệu của Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I, khi tuần du, thăm cảnh đẹp non sông hay hỏi han nhân dân, vua thường làm thơ để ghi lại hành trình, cảm xúc, gửi gắm tình cảm.
Ngoài ra, các vua sáng tác về những thú vui đời thường, phong cảnh, cuộc sống nhân dân, vận mệnh đất nước. Tài liệu Mộc bản cho biết trong số các vua, Minh Mạng là người học rộng, có tài thơ văn, đã thực hiện khoảng hơn 3.500 bài, đa dạng thể loại.
Dịp năm mới, vua làm những vần thơ gửi mong ước về một năm mưa thuận, gió hòa, dân được bình an. Trong sách Ngự chế thi nhị tập, quyển sáu, ông viết về Tết Nguyên đán Mậu Tuất, tái hiện khung cảnh yên bình của đất nước:
Ngày mùng hai là khuyển
Ngày mùng hai là khuyển giờ tuất đến,
Trong làng yên ổn không còn trộm cướp.
Suốt đến năm canh không tiếng chó sủa,
Thời ấy có được như thế đủ để an lòng dân.
Một phần không gian trưng bày chủ đề "Tiêu dao miền thơ phú". Ảnh: Ban tổ chức cung cấp
Với mỗi phần, ban tổ chức chọn không gian trưng bày khác nhau, kèm nút chỉ dẫn rõ ràng. Ở phần một, các bức chân dung tác gia được đặt trên sân vườn của một ngôi nhà ba gian, mang nét đặc trưng của thế kỷ 19-20. Các nhân vật đều có thông tin tiểu sử, sáng tác cùng giọng thuyết minh chi tiết. Phần hai đưa người xem đến khung cảnh trường thi xưa, xen kẽ âm thanh gợi liên tưởng đến những vụ xét xử vi phạm trong thi cử. Phần cuối gồm những bài thơ được trưng bày tại bối cảnh Ngọ Môn Huế, kết hợp âm thanh du dương, tái hiện đời sống văn chương của cung đình.
( Theo vnexpress.net )