12:00 AM 05/09/2016  | 

Văn bản là công cụ truyền tải thông tin không thể thiếu trong hoạt động quản lý nhà nước từ khi có chữ viết. Trong hoạt động quản lý điều hành đất nước của các triều đại phong kiến Việt Nam, đã hình thành hệ thống văn bản hành chính, cùng với đó là hệ thống quản lý công tác văn thư. Công tác văn thư có vai trò rất quan trọng hoạt động quản lý nhà nước, vì vậy đã được các triều đại phong kiến Việt Nam đặc biệt quan tâm. Tuy nhiên phải đến triều Nguyễn, công tác văn thư mới được quy định thống nhất bằng pháp luật. Từ thẩm quyền ban hành, hệ thống ấn triện, loại hình hay thể thức trình bày văn bản đều được quy định cụ thể.
Châu bản triều Nguyễn là hệ thống văn bản hành chính được hình thành trong hoạt động quản lý của bộ máy nhà nước. Thông qua tài liệu lưu trữ được khai thác từ khối Châu bản, Trung tâm Lưu trữ quốc gia I tổ chức triển lãm tài liệu lưu trữ “Văn thư triều Nguyễn qua Châu bản – Di sản tư liệu thế giới khu vực Châu Á – Thái Bình Dương” nhằm giới thiệu đến công chúng các hoạt động trong công tác văn thư triều Nguyễn, góp phần cung cấp thêm thông tin về sự quan tâm của các Hoàng đế đối với hoạt động quản lý nhà nước bằng văn bản.
Ban tổ chức lựa chọn trưng bày trên 100 phiên bản Châu bản triều Nguyễn. Triển lãm được bố cục thành năm phần:
– Phần 1: Tổ chức và nhân sự làm công tác văn bản
– Phần 2: Soạn thảo, ban hành văn bản
– Phần 3: Chuyển giao, giải quyết văn bản
– Phần 4: Quản lý, sử dụng con dấu
– Phần 5: Lưu trữ, khai thác văn bản
Triển lãm có phần giới thiệu chung, mỗi phần có giới thiệu riêng và mỗi tài liệu được thuyết minh tóm tắt về nội dung, xuất xứ và nơi bảo quản.

Tổ chức và nhân sự làm công tác văn bản

Soạn thảo, ban hành văn bản

Chuyển giao, giải quyết văn bản

Quản lý, sử dụng con dấu

Lưu trữ, khai thác văn bản