06:57 PM 16/09/2024  | 

Than ôi ! Nào Trẫm có làm nên tội tình gì đến nỗi dân ta phải gánh chịu một số phận tàn khốc đau thương như vậy đổ xuống? _Vua Tự Đức, 1862.

Năm 1858, quân đội Pháp cùng liên minh Tây Ban Nha đã nổ súng tấn công Đà Nẵng, rồi không lâu sau đó đánh chiếm Nam Kì, tiếp tục đưa quân ra tấn công Bắc Kì, mở đầu thời kì Pháp chiếm đóng trên vùng đất này. Người dân An Nam bắt đầu kiếp sống lầm than nô lệ. Chính quyền thuộc địa Pháp đã dùng mọi biện pháp để triệt để khai thác mảnh đất màu mỡ này.

 

 

 Tàu Pháp vào cảng Đà Nẵng. Nguồn: Sách Đông Dương xưa

 

Vua Tự Đức khi đọc văn bản hoà ước Nhâm Tuất ngày 05 tháng 6 năm 1862 chỉ biết thở dài : "Than ôi ! Nào Trẫm có làm nên tội tình gì đến nỗi dân ta phải gánh chịu một số phận tàn khốc đau thương như vậy đổ xuống? "[1]

 

Hà Thành thất thủ

Nhận định về vai trò của Bắc Kì, chuẩn Đô đốc Dupré đã từng tuyên bố: “Sự xâm nhập Bắc Kì là một vấn đề sinh tử cho tương lại thống trị của chúng ta tại Viễn Đông”. Sau khi chiếm được Nam Kì, quân đội Pháp tiến ra Bắc và lần lượt chiếm các tỉnh, thành ở Bắc Kì, đặc biệt là Hà Nội. Ngày 05 tháng 11 năm 1873, tướng Francis Garnier đem quân ra Hà Nội, lấy cớ giúp thương nghị về tranh cãi giữa lái buôn Jean Dupuis và chính quyền nhà Nguyễn ở Bắc Kì. Do không thể uy hiếp, đe doạ được Nguyễn Tri Phương, Garnier đã bất ngờ tấn công Thành Hà Nội và chiếm được Thành vào ngày 20 tháng 11 năm 1873 mặc dù quân đội triều đình do Nguyễn Tri Phương chỉ huy quyết tâm bảo vệ Thành và kháng cự rất quyết liệt.

Trước sức mạnh và vũ khí hiện đại của quân Pháp, quân triều đình nhà Nguyễn vẫn không thể giữ được mảnh đất quê hương. Thành Hà Nội thất thủ. Nhiều tù nhân bị bắt đưa vào Sài Gòn, trong đó, có Nguyễn Tri Phương và 2 con trai của Phan Thanh Giản. Nguyễn Tri Phương trọng thương bị giam giữ nhưng từ chối chữa bệnh và chết sau một thời gian tuyệt thực.

Nhân dân Hà Nội sôi sục căm thù, đồng lòng đứng lên khởi nghĩa chống Pháp. Chiếm Thành Hà Nội được một năm, quân Pháp liên tục phải đối mặt với các cuộc nổi dậy của nhân dân và sĩ phu yêu nước Việt Nam. Trong cuộc nổi dậy ở Cầu Giấy do Tôn Thất Thuyết và Hoàng Tá Viêm dẫn đầu, quân Pháp trúng kế rơi vào ổ phục kích, bị tiêu diệt gọn. Garnier tử trận. Tàn binh Pháp lui về cố thủ trong Thành. Sau trận Cầu Giấy, Pháp buộc phải kí hiệp ước ngày 05-01-1874 trả lại Thành Hà Nội và các tỉnh Hải Dương, Ninh Bình, Nam Định cho triều đình Huế và chỉ lập một toà Công sứ ở Hải Phòng.

Tuy nhiên sau đó, triều đình Huế buộc phải kí Hòa ước ngày 15 tháng 3 năm 1874 và Thương ước ngày 31 tháng 8 tháng 1874 với thực dân Pháp. Theo đó, thực dân Pháp trả lại Hà Nội, nhưng triều đình Huế phải mở cửa sông Hồng, thành phố Hà Nội phải cho người Pháp buôn bán, phải cho họ một khu vực “nhượng địa” mà họ có quyền đặt lãnh sự với 100 quân thường trực. Khu đất rộng 5 mẫu (khoảng 2.5 ha) bên sông Hồng. Tuy nhiên sau nhiều lần thương lượng, toàn bộ khu Đồn Thuỷ rộng hơn 18 ha đã thuộc về chính quyền thuộc địa[2].

 

 Sơ đồ Khu nhượng địa Pháp ở Hà Nội năm 1875. Hình ảnh trong Triển lãm Hỡi đồng bào Thủ đô.

 

Khói lửa ngập trời

Ngày 24 tháng 4 năm 1882, tàu chiến của Pháp từ sông Hồng và bộ binh chuẩn bị tấn công Thành Hà Nội. Lúc 5 giờ sáng ngày 25 tháng 4, Henri Rivière gửi tối hậu thư cho Tổng đốc Hà Nội Hoàng Diệu, trong vòng 3 giờ, buộc quân đội Triều đình phải hạ khí giới, giao Thành Hà Nội.[3],[4]

Đến 8 giờ, quân Pháp đã nổ súng tấn công Thành, tàu chiến dưới sông thi nhau nhả đạn vào Thành, đồng thời bộ binh xông lên đánh Thành. Nhân dân Hà Nội đã có sự kháng cự quyết liệt, người dân tự châm lửa đốt nhà, phố để tạo nên bức tường lửa ngăn cản bước tiến của quân giặc. [5]

Phải đến 10 giờ 30, đợi lửa tàn, quân Pháp mới băng qua chiến hào để tấn công Thành. Tổng đốc Hoàng Diệu dẫn đầu tướng sĩ xông lên chiến đấu. Trận đánh đang ác liệt thì kho thuốc súng trong Thành bỗng nhiên bốc cháy khiến tinh thần tướng sĩ hoang mang. Chớp thời cơ, quân Pháp dốc lực lượng chiếm Thành.

Đến 11 giờ 15 phút trưa ngày 25 tháng 4 năm 1882, tức ngày 8 tháng 3 Âm lịch, Thành Hà Nội thất thủ. Tổng đốc Hoàng Diệu khi đó đang lâm bệnh nhưng vẫn chỉ huy chiến đấu. Ông đã treo cổ tự vẫn.

Năm 1888, Triều đình Nhà Nguyễn bị chính quyền thuộc địa buộc phải nhượng các phần đất thuộc 3 thành phố Hà Nội, Hải Phòng và Đà Nẵng.

 

 

 

 Dụ ngày 01 tháng 10 năm 1888 của Vua Đồng Khánh về việc lập khu nhượng địa Pháp tại các thành phố Hà Nội, Hải Phòng và Đà Nẵng. (bản dịch tiếng Pháp và bản phụng dụ chữ Hán)

 

Hà Thành binh biến

Đêm 27 rạng sáng ngày 28 tháng 6 năm 1908 một cuộc binh biến đã nổ ra tại Hà Nội. Vụ hạ độc binh lính Pháp do các binh lính và đầu bếp người Việt phục vụ trong quân đội Pháp thực hiện nhằm mục đích chiếm lại Thành Hà Nội từ tay người Pháp. Trong bản báo cáo viết tay Sở Mật thám có các thông tin khá chi tiết về kế hoạch này. Theo lời khai của một số người tình nghi, kế hoạch này đã có từ tháng 11 năm 1907, rồi tiếp đó định thực hiện vào tháng 5 năm 1908. …Cần phải tìm căn nguyên và điểm khởi đầu của phong trào khởi nghĩa trong các bản truyền đơn chống Pháp do Phan Bội Châu và những người Việt Nam ở Nhật gửi và đưa ra bàn bạc trong các cuộc họp về đêm của Hội Đông Kinh Nghĩa Thục. Các tài liệu này kêu gọi người Việt chống lại sự đô hộ Pháp và kích động binh lính người Việt quay vũ khí chống lại quân đội Pháp và các sĩ quan…[6]

Những thiệt hại về người và của sau vụ này đã khiến chính phủ Pháp phải nghĩ ngay đến các biện pháp sớm nhất để cứu lấy thuộc địa ở Đông Dương. Với con số 350 binh lính Pháp thương vong, vụ Hà Thành đầu độc đã gây chấn động dư luận và giới chức Pháp.

 

 Các bài báo viết về vụ tấn công Thành Hà Nội và thiệt hại của quân đội Pháp. Nguồn TTLTQGI

 

Cuộc nổi dậy tuy thất bại nhưng sự kiện này đã cho thấy binh lính người Việt ngay trong lòng địch là một lực lượng lợi hại đối với các cuộc đấu tranh. Cuộc nổi dậy này của binh lính ngay trong lòng địch này là bước khởi đầu cho các phong trào đấu tranh có sự tham gia của nhiều giới, nhiều tầng lớp trong phạm vi cả nước những năm tiếp theo.

(Xem tiếp: Bài 2: Vụ đánh bom trên phố Tràng Tiền năm 1913)

 

Đỗ Hoàng Anh

 

 

[1] Bulletin des Amis de Vieux Hue, số tháng 10-12 /1937, trang 382. (Nguyên văn tiếng Pháp « Las ! de quel crime nous sommes-nous rendus coupables pour qu’un destin si cruel et si douloureux s’abatte ainsi sur notre peuple ? )

[2] MASSON (André), Hanoi pendant la période héroïque 1873-1888.

[3] Đinh Xuân Lâm, Đại cương Lịch sử Việt Nam 1585-1919.

[4] Hồi kí và tư liệu Á châu, quyền 38, trang 180. Dẫn theo Nguyễn Xuân Thọ

[5] Đinh Xuân Lâm, Đại cương Lịch sử Việt Nam 1585-1919.

[6] TTLTQGI/RST

 

Đỗ Hoàng Anh