Bộ đội tiến về giải phóng Thủ đô
Trong những ngày tiếp thu Hà Nội, trên báo các bài viết tập trung về sự kiện đặc biệt quan trọng này. Trên trang nhất Tờ báo Nhân dân ra ngày 9 - 10 tháng 10 năm 1954 đăng:
Trang nhất Tờ báo Nhân dân ra ngày 9 - 10 tháng 10 năm 1954. Nguồn: Nhà sưu tầm Nguyễn Phi Dũng
“…Ngày mồng 8, quân ta chia nhiều đường tiến vào ngoại thành Hà Nội, đến 16 giờ 30 thì tiến đến đường đê La Thành, từ Vĩnh Tuy, Bạch Mai cho đến Ngã Tư Sở, Ô Cầu Giấy và Nhật Tân.
Tại Ô Cầu Giấy, các sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam tiếp nhận bàn giao của đối phương. Ảnh đăng báo Quân đội nhân dân.
Ngày mồng 9, quân ta theo nhiều đường tiến vào Hà Nội, quân Liên hiệp Pháp rút đến đâu thì quân ta tiến vào tiếp thu đến đó. Cuộc hành quân tiếp thu bắt đầu từ 6 giờ sáng, xuất phát từ đường đê La Thành, đến 16 giờ 30 thì quân đội Liên hiệp Pháp rút hết về phía Đông Cầu Long Biên, bộ đội ta hoàn toàn kiểm soát thành phố Hà Nội.
Ngày mồng 10, quân đội Liên hiệp Pháp rút khỏi trường bay và cả khu vực Gia Lâm cho đến Bần Yên Nhân, cách Hà Nội 30 cây số. Quân ta tiếp thu toàn bộ khu vực đó…” [1]
Trên Báo Quân đội nhân dân số ra ngày 11/-12/10/1954 có bài tường thuật chi tiết “Ngày 9/10/1954, Quân đội nhân dân Việt Nam đã tiếp thu hoàn toàn Thủ đô Hà Nội” trên trang nhất:
“ - 9h25 sáng quân đội ta đã vào Phủ Toàn quyền cũ và 10 giờ 30 đã vào Bắc Bộ phủ.
Bên cạnh đó, có nhiều bài viết khác chất chứa trong từng câu chữ niềm vui hân hoan và hạnh phúc vỡ oà của người dân khi được trở về Thủ đô trong chiến thắng.
Tác giả Văn Phác sáng tác bài thơ “Đường ta về Hà Nội” đăng trên báo Quân đội nhân dân có đoạn viết:
“…Nay đã 9 mùa thu
Ta trở về Hà Nội
Đi giữa nắng chan hoà đỏ chói
Đường của ta rừng cờ sao phấp phới
Bước bừng bừng theo tiếng gọi quê ta
Muôn miệng cười dậy sóng một bài ca:
Chiến thắng ! Bác Hồ về!
Chúng ta về chiến thắng!
Trời xanh thẳm bồ câu xoè cánh trắng
Trời bình minh hạnh phúc ửng lên rồi
Em ơi quân giặc quay lui
Mở mau then cửa đón đời tự do
Từ nay em khỏi buồn lo
Sách đây em học, câu hò em vang…..”[3]
Bài “Đường ta về Hà Nội” Bài đăng trên Báo Quân đội dân dân.
Nguồn: Nhà sưu tầm Nguyễn Phi Dũng
Một bài viết khác tường thuật chi tiết Hà Nội ngày tiếp quản với tiêu đề “Hồ Gươm lại trở về với chúng ta!”:
Bài đăng trên Báo Quân đội dân dân.
Nguồn: Nhà sưu tầm Nguyễn Phi Dũng
“Đoàn xe của bộ đội tiếp thu lại tiến lên và đỗ xịch trước nhà Gô đã cũ…
Hồ Gươm đây rồi!
Nhìn lại phía sau là cả một thế giới tưng bừng kéo dài suốt từ Ô Cầu Dền qua Chợ Hôm, phố Huế tới vỉa hè bên này chợ bán hoa. Đó là cả một bể người rào rạt, cả một rừng cờ đỏ rực, nhộn nhịp, vang vang tiếng máy phóng thanh và tiếng hát say sưa…
Bỗng như không nhịn được nữa, những tiếng hoan hô dậy đất nổ tung lên: “Hoan hô quân đội nhân dân anh dũng vào tiếp quản Thủ đô”, “Hồ Chủ tịch muôn năm”, “Hoan hô chiến sĩ Điện Biên Phủ”, trào lên như sóng. Các em bé thét to, cứ chạy theo các anh bộ đội, nhảy lên phất cờ.
Hồ Gươm đã trở về với nhân dân Thủ đô! Cờ mọc lên tua tủa trên khắp các cửa sổ, khắp các bao lơn [ban công] và cả trên nóc nhà.
Tiếng hô hùng dũng của đồng chí trung đội trưởng đã từng vang lên với tiếng đại bác nổ trên các đỉnh núi quanh Điện Biên Phủ, sáng hôm nay lại ngân lên trên mặt Hồ Gươm gợn sóng, làm rung tất cả các ô cửa kính, vọng rền suốt các dãy phố Mỹ, Anh và Pháp Quốc bên Hồ Gươm….
Trên nóc Toà Thị chính Hà Nội, một lá cờ đỏ sao vàng vĩ đại thong dong thả lượn những nếp mênh mông toả ra trong gió lạnh của Hồ Gươm giải phóng. Dưới bóng cờ son tươi thắm, người chiến sĩ quang vinh của Quân đội nhân dân, lưỡi lê tuốt trần, oai nghiêm đứng gác, bảo về cho chính quyền Thủ đô mới trở về với nhân dân Thủ đô anh dũng”[4]
Nhân dân Thủ đô chào đón đoàn quân chiến thắng. Ảnh đăng trên báo Quân đội nhân dân ngày 14/10/1954
Thủ đô Hà Nội giải phóng là một ngày hội lớn của dân tộc Việt Nam. Cuộc hành quân lịch sử ngày 10 tháng 10 năm 1954 tiến về Hà Nội đánh dấu mốc son lịch sử hào hùng sau cuộc chiến tranh gần một thế kỉ chống quân xâm lược. Tiến về Hà Nội, khúc khải hoàn ca vang mãi từ những ngày tháng 10 năm 1954 đến mỗi dịp kỷ niệm Ngày Giải phóng Thủ đô như một "khúc ca khải hoàn" của người Hà Nội.
Đỗ Hoàng Anh
[1] Trích Thông cáo về kế hoạch tiếp thu Hà Nội của Bộ Tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam ngày 8 tháng 10 năm 1954.
[2] Báo Quân đội nhân dân, ngày 11-12/10/1954. Nguồn: Nhà sưu tầm Nguyễn Phi Dũng
[3] Bài thơ của tác giả Văn Phác_ đăng trên Báo Quân đội nhân dân, ngày 14/10/1954
[4] Tác giả Trần Cư, viết ngày 10/10/1954, đăng trên Báo Quân đội nhân dân, ngày 14/10/1954
Đỗ Hoàng Anh