09:27 PM 18/09/2024  | 

Họ đi đông tới 500 người. Viên cảnh sát Tây đi xe sidecar thấy vậy bèn cho xe lên bờ hè trước cửa đền Ngọc Sơn rồi cứ giữa đám đông người và đâm vào khiến cho mọi người phải sợ hãi chạy toán loạn ra đường cái hay vào phía bờ hồ…

 Đông Pháp và La Lutte có đăng tải bài viết về cuộc bãi thị tại Chợ Đồng Xuân năm 1937. Nguồn: TTLTQGI

 

Trong suốt gần một thế kỉ dưới ách đô hộ của thực dân Pháp, đặc biệt, kể từ khi có sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam năm 1930, các hoạt động cách mạng có tổ chức xuất hiện khắp nơi dưới nhiều hình thức khác nhau.Việc tuyên truyền cách mạng, đấu tranh chống Pháp thông qua truyền đơn, biểu tình, bãi khoá, bãi thị hay đình công liên tiếp diễn ra.

Năm 1930, Cảnh sát trưởng Hà Nội  thu được một bản tuyên cáo của Đảng Cộng sản (bản tiếng Pháp) ở phố Jauréguiberry (nay là phố Quang Trung), Hà Nội, trong đó có các nội dung như:

  • Gửi tất cả các anh chị em công nông và tất cả những người bị áp bức bóc lột ...Chỉ có Đảng cộng sản là đảng bảo về đông đảo quần chúng nhân dân, là đảng duy nhất có thể đối mặt với đế quốc và thực dân…”

Đả đảo Đảng Lý Nhân[1]!

Đả đảo Đảng lập hiến!

Chủ nghĩa Cộng sản muôn năm!

Đảng Cộng sản muôn năm!

 

 

 

 Lời tuyên cáo của Đảng Cộng sản (bản tiếng Pháp) do Cảnh sát rưởng Hà Nội thu được ở phố Jauréguiberry (nay là phố Quang Trung), Hà Nội năm 1930. Nguồn: TTLTQGI

 

Trong giai đoạn này, khắp nơi ở Hà Nội, các cuộc bãi khoá, đình thị hay đình công của các tầng lớp nhân dân lao động, công nhân và học sinh đã diễn ra mặc cho sự giám sát chặt chẽ của cơ quan an ninh và mật thám Pháp.

Một cuộc bãi thị lớn đã diễn ra ở Hà Nội. Ngày 24 tháng 5 năm 1937, người buôn bán chợ Đồng Xuân đồng loạt bãi thị phản đối việc tăng thuế chợ. Họ kéo đến Toà Đốc lí. Tám người bị bắt. Chính quyền đã dùng xe phun nước giải tán đám đông nhưng mọi người đều đứng im. Quan đốc lí phải điều đình. Mọi người tiếp tục diễu qua các phố và họp lại ở Bờ Hồ, kéo đến Sở Cẩm xin tha cho những người bị bắt[2].

Trên báo Đông Pháp số ra ngày 27 tháng 5 có đoạn viết: Họ đi đông tới 500 người. Viên cảnh sát Tây đi xe sidecar thấy vậy bèn cho xe lên bờ hè trước cửa đền Ngọc Sơn rồi cứ giữa đám đông người và đâm vào khiến cho mọi người phải sợ hãi chạy toán loạn ra đường cái hay vào phía bờ hồ…

Một số nhà báo như Khuất Duy Tiến, Báo Ressemblement, Nguyễn Đức Kính, Trần Huy Liệu, Phạm Văn Huệ, Báo Hà Thành Thời Báo, Nguyễn Đình Tri, Nguyễn Trí Uẩn, Báo Bạn Dân cũng bị bắt trong cuộc bãi thị vì có “thái độ khả nghi[3].

Ngay sau cuộc đình thị, trên Báo Đông Pháp đã đăng tải bản Yết thị thông báo về vụ việc này và cảnh cáo những người cầm đầu về sự truy tìm của chính quyền và xử phạt họ.[4] Thời điểm đó, chính quyền Hà Nội giữ quan điểm không thay đổi thuế và sẽ xử phạt những người vi phạm, dẫn đến việc không cung cấp được thực phẩm cho người dân.

Tuy nhiên, tình hình đã hoàn toàn thay đổi. “Kể từ ngày 10 tháng 6, thuế chợ Đồng Xuân giảm từ 20% đến 50%” là tin đăng trên Tờ Bạn Dân ngày 13 tháng 6 năm 1937. Đây là kết quả bước đầu sau những lần “vùng đứng lên” của người dân.

 Báo Bạn Dân có đăng tải bài viết về cuộc bãi thị năm 1937. Nguồn: TTLTQGI

 

Cũng trong giai đoạn này, nhiều hoạt động cách mạng cũng diễn ra nhưng đều bị chính quyền theo dõi và ngăn chặn. Một Thông tri của Thống sứ Bắc Kì gửi đi tất cả các tỉnh thành yêu cầu cung cấp thông tin về hoạt động của Báo Tin tức và tất cả các hoạt động tuyên truyền "đòi tự do dân chủ", ủng hộ Mặt trận dân chủ, "ủng hộ Nhóm Tin tức"  ở các địa phương và chỉ thị rằng những người âm mưu nổi dậy như thế phải bị bắt ngay lập tức và đưa ra toà…

 Thư mật ngày 03 tháng 10 năm 1938 của Sở An ninh Bắc Kì về việc cuộc biểu tình của nhóm cộng sản “Tin Tức” trước Toà Đốc lý Hà Nội. Nguồn: TTLTQGI

 

Liên tiếp các cuộc đình công, biểu tình diễn ra tại Hà Nội trong giai đoạn này như: Cuộc đình công ở Bệnh viện Bạch Mai, biểu tình ngày 01/5/1938 của tầng lớp nhân dân…

 

Ảnh 5: Truyền đơn của Việt Minh, ngày 01 tháng 02 năm 1944 do quân Pháp thu được trong vùng tạm chiếm. Nguồn: TTLTQGI

 

Mặc dù bị theo dõi, trấn áp nhưng dân tộc Việt Nam đầy nghị lực và kiên cường vẫn luôn tiếp tục nuôi dưỡng tinh thần yêu nước và đấu tranh giành độc lập. Khắp nơi trong cả nước, các phong trào đấu tranh dưới nhiều hình thức đã được thực hiện. Đặc biệt, cuộc tổng khởi nghĩa tháng Tám năm 1945 dưới hình thức biểu tình của 20 vạn dân nội và ngoại thành Hà Nội đã giành thắng lợi vẻ vang. Từ đây, chính quyền ở Hà Nội về tay Việt Minh. Hà Nội hồi sinh chào đón Ngày Độc lập -  Quốc Khánh 02/9.

Đỗ Hoàng Anh

 

 

 

[1] Đảng Lý Nhân hay Lý Nhơn là do Sở Mật thám và Chính quyền thực dân lập ra năm 1930 để tuyên truyền và bôi nhọ nước Nga Xô Viết và Đảng Cộng sản

[2] Báo Đông Pháp ngày 26/5/1937. TTLTQGI

[3] Báo Bạn Dân ngày 3/6/1937; Báo La Lutte ngày 30/5/1937. TTLTQGI

[4] Báo Đông Pháp ngày 26/5/1937. TTLTQGI

Đỗ Hoàng Anh