Thông tin về Lễ Khai mạc Triển lãm.
Triển lãm bố cục thành 3 phần:
Phần 1: Hà Nội cháy, khói lửa ngập trời: giới thiệu tài liệu hình ảnh về giai đoạn đầu cuộc xâm lược của thực dân Pháp tại Hà Nội. Không gian phần một là khu vực Thành Hà Nội, gắn liền với cuộc đánh chiếm Hà Nội của thực dân Pháp và một số cuộc nổi dậy của người Việt để giành lại Thành Hà Nội và chống lại chính quyền thực dân.
Không gian “Hà Nội cháy, khói lửa ngập trời”.
Phần 2: Hà Nội vùng đứng lên: giới thiệu tài liệu, hình ảnh về các cuộc đấu tranh cách mạng tại Hà Nội từ năm 1930 đến 1954.
Trong suốt gần một thế kỉ dưới ách đô hộ của thực dân Pháp, đặc biệt, kể từ khi có sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, nhiều phong trào đấu tranh của quần chúng nhân dân diễn ra sôi nổi, là tiền đề cho các cuộc khởi nghĩa sau đó. Cuộc tổng khởi nghĩa tháng Tám năm 1945 dưới hình thức biểu tình của 20 vạn dân nội và ngoại thành Hà Nội đã giành thắng lợi vẻ vang. Từ đây, chính quyền ở Hà Nội về tay Việt Minh. Hà Nội hồi sinh chào đón Ngày Độc lập - Quốc Khánh 02/9.
Không gian “Hà Nội vùng đứng lên”.
Khói lửa chiến tranh tiếp tục bao trùm phố phường Hà Nội từ cuối năm 1946 khi thực dân Pháp quay lại xâm lược nước ta. Hưởng ứng Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến của Hồ Chủ tịch, toàn quân, toàn dân Hà Nội đã kiên cường chiến đấu, quyết hi sinh tất cả vì Thủ đô thân yêu. Sau 9 năm kháng chiến quật cường, nhân dân thủ đô đã được vui mừng chào đón Đoàn quân chiến thắng tiến về giải phóng Hà Nội. Cờ đỏ sao vàng tung bay trên Cột cờ Hà Nội, kết thúc một chặng đường đầy gian khổ, hi sinh nhưng cũng rất oanh liệt, vẻ vang. Thủ đô Hà Nội rực rỡ huy hoàng ánh sáng của Hoà bình - Độc lập - Tự do trong những ngày tháng 10 năm 1954.
Hình ảnh một số truyền đơn, do Cảnh sát Pháp thu được ở Hà Nội năm 1949 được giới thiệu trong không gian “Hà Nội vùng đứng lên”.
Phần 3: Hà Nội ngày về chiến thắng: giới thiệu hình ảnh tài liệu, hình ảnh ngày giải phóng, vang mãi khúc khải hoàn ca. Sau 9 năm kháng chiến anh dũng của nhân dân và quân đội Việt Nam, hoà bình đã được lập lại ở Đông Dương. Nhân dân cả nước và nhân dân thủ đô vô cùng phấn khởi chào mừng Hà Nội giải phóng. Thủ đô giải phóng - ngày hội lớn của nhân dân ta.
“…Ngày mồng 9, quân ta theo nhiều đường tiến vào Hà Nội, quân Liên hiệp Pháp rút đến đâu thì quân ta tiến vào tiếp thu đến đó. Cuộc hành quân tiếp thu bắt đầu từ 6 giờ sáng, xuất phát từ đường đê La Thành, đến 16 giờ 30 thì quân đội Liên hiệp Pháp rút hết về phía Đông Cầu Long Biên, bộ đội ta hoàn toàn kiểm soát thành phố Hà Nội.
Ngày mồng 10, quân đội Liên hiệp Pháp rút khỏi trường bay và cả khu vực Gia Lâm cho đến Bần Yên Nhân, cách Hà Nội 30 cây số. Quân ta tiếp thu toàn bộ khu vực đó…”[1]
Không gian “Hà Nội, ngày về chiến thắng.
Nhân dịp Kỉ niệm 70 năm Giải phóng thủ đô, Uỷ ban nhân dân quận Hoàn Kiếm phối hợp với Trung tâm Lưu trữ quốc gia I xây dựng Triển lãm 3D trực tuyến với tên gọi “Hỡi đồng bào Thủ đô” để giới thiệu đến đông đảo công chúng những tài liệu lưu trữ và hình ảnh minh hoạ về cuộc đấu tranh chống Pháp của quân dân Hà Nội từ cuối thế kỉ 19 đến năm 1954, trong đó rất nhiều tài liệu lần đầu tiên công bố. Triển lãm dưới hình thức 3D trực tuyến giúp người xem có thể trải nghiệm không gian Hà Nội trong cuộc kháng chiến chống Pháp mọi lúc, mọi nơi.
Ban Tổ chức hy vọng Triển lãm này sẽ mang lại những trải nghiệm hấp dẫn, lý thú cho công chúng bằng công nghệ số, cung cấp những thông tin bổ ích về lịch sử Thủ đô Hà Nội - Mảnh đất ngàn năm văn hiến, anh hùng và hoà bình trong dòng chảy của lịch sử Việt Nam, góp phần nuôi dưỡng tinh thần yêu nước và lòng tự hào của người dân Hà Nội song hành với sự nghiệp phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô.
[1] Trích Thông cáo về kế hoạch tiếp thu Hà Nội của Bộ Tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam ngày 8 tháng 10 năm 1954.
Đỗ Hoàng Anh