11:44 PM 17/09/2024  | 

Một tiếng nổ lớn lúc 7h40 phút tối ngày 26 tháng 4 năm 1913, ở khách sạn Hà Nội trên phố Paul Bert (phố Tràng Tiền): một quan tư, một ông quan ba chết, hơn chục người bị thương.

 

 Khách sạn Hà Nội trên phố Tràng Tiền

 

Trong Báo cáo ngày 27 tháng 4 năm 1913 của Đệ tứ Thiên hộ gửi Đốc lí Hà Nội về vụ đánh bom vào Khách sạn Hà Nội trên phố Tràng Tiền như sau: “Vào hồi 7h40 phút tối ngày 26 tháng 4 năm 1913, ở khách sạn Hà Nội trên phố Paul Bert (phố Tràng Tiền) có một tiếng nổ bom làm chết một quan tư, một ông quan ba và bị thương 6 người Tây, năm người An Nam gồm 2 người bán nhật trình, 2 cu li xe và 1 người bán hàng đồ chơi.[1]

 Báo cáo ngày 27 tháng 4 năm 1913 của Đệ tứ Thiên hộ gửi Đốc lí Hà Nội. Nguồn TTLTQGI

 

Hai quan Pháp bị chết là Mongrand và Chapuy (có tài liệu viết Chapuis). Tang lễ được tổ chức vào 9h sáng ngày 29 tháng 4 năm 1913.

Cùng ngày, Thống sứ Bắc Kì ra ngay một bản Yết thị khổ lớn viết bằng chữ Quốc ngữ và chữ Hán thông cáo về vụ đánh bom ngày 26 tháng 4 năm 1913. Trong đó, có nêu rõ sẽ truy tìm và xử phạt người vi phạm.

 Yết thị vụ đánh bom ngày 26 tháng 4 năm 1913. Nguồn TTLTQGI

 

Ngay sau sự việc xảy ra, đêm thứ 7, sáng Chủ nhật (27/4), tuyên bố của Toàn quyền Đông Dương Albert Sarraut cho người Pháp ở Hà Nội về vụ việc này được dán khắp nơi trên phố Hà Nội thông tin về vụ việc chấn động này. Tuyên bố cũng được đăng tải trên tờ L’Avenir du Tonkin (Tương lai Bắc Kì), ngày 28-29/4/1913.[2]

Cũng trên tờ L’Avenir du Tonkin, ngày 28-29/4/1913, nhiều người Việt tình nghitham gia vụ ném bom, trực tiếp và gián tiếp, đã bị bắt ở Hà Nội và các tỉnh lân cận, trong đó con trai của Đề Kiều bị bắt ở Phủ Từ Sơn.

Sau vụ đánh bom, trong dân chúng ở các vùng đô thị và nông thôn đều lan truyền tin tức về vụ việc này, cho rằng đó là vụ tấn công hoặc chiếm Hà Nội. Do lo sợ việc tin tức không có lợi cho chính quyền, ngày 03 tháng 5 năm 1913, Thống sứ Bắc Kì tiếp tục ra Thông tư gửi các tỉnh thành phố và đạo quan binh về việc cung cấp thông tin cho nhân dân, đồng thời yêu cầu quan chức cấp phủ/huyện phải cảnh giác và thường xuyên tuần tra, trong khi tuần tra họ phải giải thích cho các đối tượng liên quan, trấn an họ, khuyến khích họ giữ thái độ đối lập với những kẻ nổi dậy…[3] Ở Hà Nội, các khu phố đều bị trưởng khu kiểm soát chặt chẽ và báo cáo về những người lạ đến địa bàn.

Công điện ngày 08 tháng 5 năm 1913 của Thống sứ Bắc Kì gửi công sứ các tỉnh, tư lệnh các Đạo quan binh và Đốc lí Hà Nội, Hải Phòng về việc bắt được một người bản xứ ở Lạng Sơn. Người này nhận là “tác giả” của 2 vụ án ở Thái Bình và Hà Nội, được di lí về Hà Nội, giao cho Toà Đề hình[4].

Tờ L’Avenir du Tonkin ra ngày 09/5/1913 cũng đưa tin về việc việc truy tìm đối tượng tham gia đánh bom khu vực biên giới và đã bắt tại Lạng Sơn những người được cho “tác giả” của 2 vụ đánh bom ở Thái Bình và Hà Nội. Tất cả bị di lí bằng tàu hoả về Hà Nội và dẫn giải đến Nhà tù ở phố Thợ Nhuộm[5].

 Công điện ngày 08 tháng 5 năm 1913 của Thống sứ Bắc Kì. Nguồn TTLTQGI

 

Chiều ngày 05 tháng 9 năm 1913, Toà Đề hình đã xét xử vụ án có vụ liên quan các vụ đánh bom ở Thái Bình và Hà Nội nói trên. Trong buổi xét xử này, Nguyễn Khắc Cần bị xử tử vì tội là “tác giả” của vụ đánh bom trên phố Tràng Tiền, Hà Nội[6]. Cũng trong buổi xét xử này, Cường Để và Phan Bội Châu và một số người khác cũng bị xử tử vắng mặt. Trong giai đoạn này, rất nhiều cuộc nổi dậy chống lại chính quyền thực dân. Mặc dù các cuộc nổi dậy này chưa mang lại thành quả to lớn nhưng cũng đã làm hoang mang trong chính quyền Pháp ở Việt Nam thời kì đó.

 

[1] MHN3559. TTLTQGI.

[2] L’Avenir du Tonkin, Gallica.bnf.fr

[3] MHN3559. TTLTQGI.

[4] MHN3559. TTLTQGI.

[5] L’Avenir du Tonkin ra ngày 09/5/1913

[6] L’Avenir du Tonkin, ngày 05/9/1913.

Đỗ Hoàng Anh