08:59 AM 22/09/2024  | 

Là khẩu hiệu trên một tờ truyền đơn của Ty Thông tin Hà Nội, do Cảnh sát Pháp thu được trên phố Hà Nội. Bản truyền đơn nằm trong hồ sơ báo cáo tình hình an ninh của các khu phố ở Hà Nội năm 1949. Tờ truyền đơn kèm hình ảnh này nhằm mục đích tuyên truyền đấu tranh cách mạng ở Hà Nội, cùng với nhiều hoạt động tuyên truyền khác nhân dịp kỉ niệm 3 năm kháng chiến ở Thủ đô.

 Bản truyền đơn về vụ tàn sát ở ngõ Yên Ninh xảy ra vào năm 1946 của Ty Thông tin Hà Nội. Nguồn: TTLTQGI

 

“Yên Ninh máu chảy tơi bời

căm thù giặc Pháp muôn đời không quên!

Là khẩu hiệu trên một tờ truyền đơn của Ty Thông tin Hà Nội, do Cảnh sát Pháp thu được trên phố Hà Nội. Bản truyền đơn nằm trong hồ sơ báo cáo tình hình an ninh của các khu phố ở Hà Nội năm 1949. Tờ truyền đơn kèm hình ảnh này nhằm mục đích tuyên truyền đấu tranh cách mạng ở Hà Nội, cùng với nhiều hoạt động tuyên truyền khác nhân dịp kỉ niệm 3 năm kháng chiến ở Thủ đô.

Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, mặc dù đã kí Hiệp định sơ bộ ngày 06 tháng 3 năm 1946 và Tạm ước 14/9/1946, Pháp vẫn bội ước và từng bước lấn tới xâm lược nước ta. Với dã tâm đặt lại nền thống trị trên đất nước ta bằng mọi giá, chỉ sau 9 ngày, quân Pháp đã kéo vào Hà Nội, thực hiện nhiều hành động gây hấn, phá hoại, gây không khí căng thẳng.

Ngày 8/12/1946, Pháp gửi tối hậu thư đòi ta giải tán lực lượng tự vệ chiến đấu để Pháp giữ gìn trật tự ở Hà Nội, nếu không, chậm nhất sáng 20/12/1946, Pháp sẽ chuyển sang hành động[1].

Ở Hà Nội, vụ tàn sát tại ngã ba Yên Ninh – Hàng Bún vào đêm ngày 16, sáng ngày 17 tháng 12 năm 1946 là một vụ việc thảm thương. Nhiều người dân thường bị giết, bị thương và bị bắt. Nhà cửa bị đốt phá. Vụ việc này được báo chí đăng tải, trong đó có báo Cứu Quốc.

Bài “Những cảnh thảm thương ở phố hàng Bún” trên Tờ Cứu quốc[2] viết: “Giặc Pháp đã xông vào từng nhà ở phố Hàng Bún đập phá đồ đạc và tàn sát lương dân rất dã man. Chúng đã giết chết và chặt đầu người….  Sáng 18/12 hồi 11 giờ, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hoàng Minh Giám, lãnh sự Anh và Trung Hoa tới khu phố này …”

Ảnh 2: Bài viết “Những cảnh thảm thương ở phố hàng Bún” trên Tờ Cứu quốc. Nguồn. TVQGVN

 

Trong số này, có đăng Thông điệp của Hồ Chủ tịch gửi Uỷ viên Cộng hoà Pháp quốc: “Ngày 18 tháng 12, Hồ Chủ tịch đã gửi cho Uỷ viên Cộng hoà Pháp tại Bắc Bộ một bức thư nói rằng: Chủ tịch và Uỷ viên Cộng hoà đã quyết định cố sức tránh các cuộc xung đột có thể làm cho tình thế căng thêm và quyết định này đã được công bố lên báo chí.

Thế mà từ hôm ấy đến nay, các cuộc xung đột càng ngày càng nhiều cả ở Hà Nội lẫn các tỉnh khác trong cõi Việt Nam….

Rồi đến hôm qua 17/2, quân đội Pháp đã phá huỷ các cơ quan phòng thủ tự vệ của dân chúng Việt Nam. Nếu dân Việt Nam không bình tĩnh và bộ đội Việt Nam không có kỷ luật thì đã xẩy ra một cuộc xung đột lớn và kết quả không biết thế nào mà kể.

Ngoài ra, ở phố hàng Bún, bộ đội Pháp lại bắn vào thường dân làm cho 30 người chết và bị thương, hàng chục người dân Việt bị bắt…

Cuối cùng, Hồ Chủ tịch yêu cầu ông Uỷ viên Cộng hoà vì quyền lợi chung của hai dân tộc tìm cách chấm dứt tình trạng ấy.” [3]

Ảnh 3: Thông điệp của Hồ Chủ tịch gửi Uỷ viên Cộng hoà Pháp quốc, đăng trên Báo Cứu Quốc số 440, ngày 19/12.1946

 

Mặc dù, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chính phủ Việt Nam đã gửi thông điệp hoà bình cho phía Pháp, nhưng phía Pháp không những không chấm dứt tình trạng gây hấn mà còn gia tăng các hành động xâm lược. Trước tình thế đó,  quân và dân Việt Nam không có con đường nào khác là cầm súng chiến đấu để bảo vệ nền độc lập, tự do vừa giành được. Ngày 18 và 19/12/1946, Ban Thường vụ Trung ương Đảng họp hội nghị tại Vạn Phúc (Hà Đông), ra quyết định lịch sử: phát động toàn quốc kháng chiến. Đêm 19/12/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Trung ương Đảng và Chính phủ ra Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến. Tiếng súng kháng chiến chống xâm lược từ pháo đài Láng bắn ra đúng 20 giờ 3 phút ngày 19 tháng 12 năm 1946 báo hiệu toàn thể dân tộc Việt Nam bước vào cuộc chiến đấu mới.

 

Ảnh 4: Hà Nội chìm trong khói lửa sau đêm 19 tháng 12 năm 1946. Ảnh: Nguyễn Bá Khoản

 

Vụ tàn sát Yên Ninh – Hàng Bún mở đầu cuộc gây hấn của thực dân Pháp ở Hà Nội. Ngày nay, tấm bia ở ngã ba phố Yên Ninh - Hàng Bún, nơi ghi lại sự kiện bi tráng 73 năm trước, dù chỉ vẻn vẹn dòng chữ: “Khắc sâu căm thù. Nơi đây thực dân Pháp đã tàn sát đồng bào ta, mở đầu cuộc gây hấn của chúng ở Thủ đô Hà Nội”.

Đỗ Hoàng Anh

 

[1] Báo Cứu Quốc số 440,ngày 19/12.1946. TVQGVN

[2] Báo Cứu Quốc số 440,ngày 19/12.1946. TVQGVN

[3] Trích Thông điệp của Hồ Chủ tịch gửi Uỷ viên Cộng hoà Pháp quốc, đăng trên Báo Cứu Quốc số 440, ngày 19/12.1946. TVQGVN

Đỗ Hoàng Anh