1. Vai trò của kim ấn Hoàng đế chi bảo dưới triều Nguyễn
Ấn Hoàng đế chi bảo là một trong những kim ấn quan trọng và to nhất của triều Nguyễn. Ấn được đúc vào mùa xuân năm Minh Mệnh thứ 4 (1823). Đại Nam thực lục chép: “Ngày Giáp thìn, đúc ấn Hoàng đế chi bảo (núm làm rồng cuốn hai tầng, vuông 3 tấc 2 phân, dày 5 phân, bằng vàng mười tuổi, nặng 180 lạng 9 đồng 2 phân). Phàm chiếu thư, sắc dụ đều đóng ấn ấy”[i].
Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ cũng viết: “Minh Mệnh năm thứ 4 (1823), xuống chỉ chọn ngày tốt, Bộ Lễ hội đồng với Phủ Nội vụ, Ty Vũ khố kính cẩn đúc một quả Hoàng đế chi bảo làm bằng vàng 10 tuổi, đài chồng 2, núm rồng ngồi xổm, vuông 3 tấc 2 phân, dày 5 phân”[ii].
Sau khi đúc xong, ấn Hoàng đế chi bảo được dùng đóng trên các đạo chiếu, dụ ban thưởng, ân xá và sắc thư cho ngoại quốc. Qua nội dung nguồn sử liệu Châu bản triều Nguyễn phần nào cho chúng ta thấy việc sử dụng ấn này. Châu bản ngày mồng 6 tháng 5 năm Minh Mệnh thứ 6 (1825) của Bộ Hộ cho biết bộ đã xin đóng ấn Hoàng đế chi bảo lên đạo dụ về việc miễn giảm thuế cho thành Gia Định. Văn bản ghi rõ: “Lại xét hai năm Minh Mệnh thứ 4 (1823), thứ 5 (1824), các thôn xã phải bù thuế thân đều miễn hết. Kính chờ đóng dấu Hoàng đế chi bảo lên 1 đạo”[iii].
Cuối năm đó, vua ban dụ cho thưởng yến và tiền nhân tết nguyên đán. Theo quy định, trên bản dụ ban thưởng đó được đóng dấu Hoàng đế chi bảo để khẳng định sự tín thực của dụ vua ban. Trong bản kê ngày 20 tháng 12 năm Minh Mệnh thứ 6 (1825) của Bộ Hộ nêu rõ việc chờ đóng dấu Hoàng đế chi bảo vào đạo dụ ban yến, thưởng bạc đó.[iv]
Tháng 2 năm Minh Mệnh thứ 9 (1828), nhà vua quy định rõ về việc dùng ấn Hoàng đế chi bảo trong những trường hợp: “gặp khánh tiết gia ân, các việc long trọng như cáo, dụ thân huân, tuần xem địa phương cùng là ban sắc thư cho ngoại quốc thì đóng ấn Hoàng đế chi bảo”[v]. Tuân theo đó, ngày 17 tháng 5 năm Minh Mệnh thứ 10 (1829), Bộ Lễ xin “kính dùng dấu Hoàng đế chi bảo đóng vào 1 đạo dụ cho quốc vương Cao Miên”[vi].
Bản phụng biên của Bộ Lễ về việc dùng dấu Hoàng đế chi bảo đóng lên đạo dụ ban cho Quốc vương Cao Miên. Nguồn: TTLTQGI
Năm Minh Mệnh thứ 14 (1833), vua ban ân chiếu cho các đạo Gia Định, Biên Hòa, Vĩnh Long, Định Tường, An Giang, Hà Tiên. Các đạo ân chiếu này cần được đóng dấu mới có cơ sở pháp lý để thực hiện. Vì vậy, ngày 13 tháng 10 năm Minh Mệnh thứ 14 (1833), Bộ Lại làm phiến lục xin “dùng ấn Hoàng đế chi bảo đóng lên 6 đạo ân chiếu phát giao các tỉnh Nam kì”[vii].
Bản phiến lục của Bộ Lại về việc xin dùng ấn Hoàng đế chi bảo đóng lên 6 đạo ân chiếu phát giao các tỉnh Nam kì. Nguồn: TTLTQGI
Ấn Hoàng đế chi bảo giữ một vai trò quan trọng. Trên các đạo chiếu, dụ, cáo ban ra được đóng dấu chính là sự khẳng định sự tín thực để hiệu lệnh ban bố được thực hiện. Vì vậy mỗi khi nhà vua xuất cung, ấn thường được mang theo để sử dụng khi cần thiết. Năm Minh Mệnh thứ 14 (1833), vua chuẩn y lời bàn nghị của Bộ Lễ về nghi tiết, trong đó có nói: “phàm khi vua đi chơi, nếu theo lệ, phải đem theo ấn Hoàng đế chi bảo”[viii].
Mùa hạ năm Minh Mệnh thứ 17 (1836), ấn Hoàng đế chi tỉ khắc xong. Vì vậy, việc sử dụng ấn Hoàng đế chi bảo được quy định lại. Đại Nam thực lục chép: “Trước đây, phàm gặp việc cho đại xá, hoặc đàm ân, cáo dụ các bậc thân huân, huấn dụ quan lại khi đi tuần thú xem xét địa phương, ban sắc thư cho ngoại quốc, đều đóng ấn Hoàng đế chi bảo; đến đây mới đổi: phàm gặp khi đổi niên hiệu, ban đại xá, đại khánh đàm ân, thì đóng ấn ngọc tỉ, còn các việc từ cáo dụ thân huân trở xuống vẫn đóng ấn kim bảo”[ix].
Trải qua thời gian, việc sử dụng ấn Hoàng đế chi bảo có ít nhiều thay đổi, nhưng kim ấn này vẫn luôn giữ vai trò quan trọng đối với vương triều Nguyễn. Đặc biệt, kim bảo này còn gánh vác một sứ mệnh lớn khi được chọn là vật tượng trưng trong việc chuyển giao lịch sử.
2. Hành trình long đong của bảo ấn và niềm vui châu về Hợp Phố
Ấn vàng Hoàng đế chi bảo là vật báu được truyền từ đời vua Minh Mệnh đến vua Bảo Đại. Ngày 30/8/1945, khi vua Bảo Đại tuyên bố thoái vị đã chọn kim ấn Hoàng đế chi bảo và một thanh kiếm tượng trưng cho đế quyền triều Nguyễn trao lại cho chính quyền cách mạng. Khi đó, ông Trần Huy Liệu đại diện cho chính quyền cách mạng tiếp nhận ấn, kiếm mang tính tượng trưng này và cho chuyển về Hà Nội. Đến năm 1952, hai bảo vật này rơi vào tay người Pháp. Theo nội dung bản Báo cáo ngày 28/2/1952 của Quận trưởng quận hành chính Quảng Bá - Yên Thái gửi Đại lý Hành chính Hoàn Long thì những công nhân tiểu đoàn nhảy dù 2è BBC đã tìm thấy ấn, kiếm dưới chân móng một căn nhà ở Nghĩa Đô[x].
Tháng 3 năm 1952, người Pháp đã trao lại ấn, kiếm cho cựu hoàng Bảo Đại. Vì cựu hoàng Bảo Đại đang ở Pháp nên Hoàng thái hậu Đoan Huy và Thứ phi Mộng Điệp thay ông tiếp nhận. Năm 1953, bộ ấn kiếm này được đưa sang Pháp giao cho Hoàng hậu Nam Phương và Thái tử Bảo Long cất giữ. Và, sau nhiều biến cố, kim ấn Hoàng đế chi bảo lại trở về với cựu hoàng Bảo Đại. Trước khi qua đời, Bảo Đại đã để lại tài sản, trong đó có kim ấn này cho vợ là bà Monique Baudot. Năm 2021, bà qua đời, những người được thừa kế đã ủy quyền cho hãng Millon đưa ra bán đấu giá vào cuối năm 2022.
Ngày 19/10/2022 website của Hãng đấu giá Millon (Pháp) đăng tải thông tin đưa ra đấu giá 329 cổ vật, trong đó có kim bảo Hoàng đế chi bảo đúc vào năm Minh Mệnh thứ 4 (1823) vào 11h ngày 31/10/2022 (giờ Paris). Tuy nhiên, với nỗ lực từ phía Việt Nam, phiên đấu giá này đã được hoãn lại đến ngày 10/11/2022. Đến sáng ngày 10/11, một lần nữa hãng đấu giá Millon lại quyết định dời ngày đấu giá đến trưa ngày 18/11 vì “có sự quan tâm mạnh mẽ từ phía Nhà nước Việt Nam”.
Ngay sau đó là chuỗi ngày đàm phán giữa phía Việt Nam với hãng Millon để từng bước thực hiện hồi hương ấn vàng. Cuối cùng, bảo ấn được ông Nguyễn Thế Hồng - chủ sở hữu Bảo tàng Hoàng gia Nam Hồng mua với giá 6,1 triệu Euro. Sau gần 1 năm đàm phán các thủ tục pháp lý đã được hoàn tất, chiều ngày 16/11/2023, lễ chuyển giao ấn vàng Hoàng đế chi bảo đã diễn ra tại Đại sứ quán Việt Nam ở Pháp. Ngày hôm sau, ấn vàng Hoàng đế chi bảo đã được đưa về Việt Nam và đặt trang trọng ở Bảo tàng Hoàng gia Nam Hồng.
Ấn vàng Hoàng đế chi bảo được trưng bày tại buổi lễ. Nguồn: Cục Di sản văn hóa
Hồi hương ấn vàng Hoàng đế chi bảo là việc làm hết sức ý nghĩa, góp phẩn bổ sung các bảo vật nhằm đảm bảo tính toàn vẹn của di sản văn hóa, nhất là bảo ấn này từng có vai trò quan trọng trong lịch sử. Chính vì vậy, sự hồi hương của kim bảo này không chỉ là niềm vui của chủ sở hữu chiếc ấn, của Đảng và Nhà nước, mà đó còn là niềm vui chung của cả dân tộc Việt khi “châu về Hợp Phố”.
[i] Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục (Viện Sử học dịch), tập 2, tr.268, Nxb Giáo dục, H.2004.
[ii] Nội các triều Nguyễn, Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, quyển 84.
[iii] Trung tâm Lưu trữ quốc gia I, Châu bản triều Nguyễn, Minh Mệnh.
[iv] Trung tâm Lưu trữ quốc gia I, Châu bản triều Nguyễn, Minh Mệnh.
[v] Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục (Viện Sử học dịch), tập 2, tr.731, Nxb Giáo dục, H.2004.
[vi] Trung tâm Lưu trữ quốc gia I, Châu bản triều Nguyễn, Minh Mệnh.
[vii] Trung tâm Lưu trữ quốc gia I, Châu bản triều Nguyễn, Minh Mệnh.
[viii] Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục (Viện Sử học dịch), tập 3, tr.488, Nxb Giáo dục, H.2004.
[ix] Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục (Viện Sử học dịch), tập 3, tr.965 - 966, Nxb Giáo dục, H.2004.
[x] Đỗ Hoàng Anh, Kim bảo tỉ triều Nguyễn được tìm thấy như thế nào ở Hà Nội?
Nguyễn Hường